Báo Kinh tế nông thôn có bài: Sâm Báo - “dược liệu vàng” hiệu quả kinh tế cao

5 (100 %) 1 votes

Sâm Báo là loài sâm mọc trên núi Báo ở làng cổ Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa), xưa được gọi là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”, dùng để dâng vua, tiến chúa.

Hiện, “dược liệu vàng” này đã và đang được Thanh Hóa ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng mô hình sản xuất với tên gọi “Sâm Báo” theo GACP-WHO gắn với chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Ông Thiều Đình Hùng, Giám đốc Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn giới thiệu sản phẩm sâm Báo với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Đặc sản tiến vua

Trước đây, loại sâm này mọc nhiều ở núi Báo (nên được gọi sâm Báo), là đặc sản nổi tiếng của xứ Thanh. Từ xa xưa, các triều đại phong kiến đã nhận xét Sâm Báo là: “Đại Việt đệ nhất danh sâm”.

Sách “Thanh Hóa tỉnh,Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo viết: “Nước Nam có nhiều sâm, chỉ có sâm đất Biện Thượng (còn gọi là Bồng Thượng) công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm ở núi Báo nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”. Từ những năm 1400, thời vua Hồ, chúa Trịnh, loại dược liệu quý, sâm Báo được dùng để dâng vua, tiến chúa.

Cận cảnh củ sâm Báo sau khi thu hoạch.

Theo Đông y, sâm Báo có vị ngọt nhạt, tính bình, vào kinh phế tỳ, có tác dụng: Bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch; trị ho, sốt nóng, phổi yếu; chữa kinh nguyệt không đều; dùng ngoài: lấy lá và hoa xát chữa ghẻ ngứa; hỗ trợ điều trị mất ngủ, kém ăn và đau lưng; sao với gạo thì tính ấm bổ tỳ vị, giúp tiêu hoá tốt; hỗ trợ điều trị bệnh táo bón, ho kèm theo sốt nóng, người mệt mỏi khó chịu; bồi bổ sức khỏe cho những người bị suy nhược cơ thể, gày yếu, những bệnh nhân mới ốm dậy; dùng làm loại nước giải khát rất tốt, chữa bệnh phổi, thông tiểu tiện.

Phát triển theo hướng GACP-WHO

Những năm trước đây, sâm Báo mọc khá nhiều ở núi Báo. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ lớn, nên người dân khai thác ồ ạt, khiến sâm Báo đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Nhận thấy giá trị to lớn của loại cây này, ngày 22/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt “Dự án phát triển cây sâm Báo” và giao trực tiếp cho Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc Tập đoàn Triso Group) triển khai thực hiện.

Sản phẩm rượu, trà, nước uống được chế biến từ sâm Báo.

Dự án được thực hiện theo định hướng: Chuyển giao, tiếp nhận thành công các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến dược liệu sâm Báo theo GACP-WHO (các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới); xây dựng mô hình sản xuất sâm Báo theo GACP-WHO gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc; xác định các hoạt chất chính và xây dựng được tiêu chuẩn dược liệu cho cây sâm Báo Vĩnh Lộc.

Công nhân đang thu hoạch sâm Báo.

Theo ông Trần Trọng Kim, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng: “Dự án được triển khai thực hiện đã tạo việc làm cho lao động địa phương, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, dự án trồng cây sâm Báo đã góp phần hình thành tư duy khai thác gắn với bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý trong nhân dân. Ngoài 3ha liên kết sản xuất với Công ty CP Dược Triệu Sơn, trên địa bàn xã có hàng chục hộ gia đình thực hiện trồng  cây sâm Báo trong vườn nhà, tổng diện tích gần 2 ha. Hiện, sau 8 tháng sản xuất, diện tích cây sâm Báo phát triển khá tốt”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Lộc Tào Quang Thiệu nhận định: “Với tiềm năng, triển vọng kinh tế từ việc phát triển loại dược liệu này, Vĩnh Lộc định hướng nhân rộng mô hình liên kết sản xuất cây sâm Báo, để đưa loại cây trồng có giá trị này trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để phát triển thương hiệu sâm Báo gắn với quảng bá hình ảnh du lịch huyện Vĩnh Lộc, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm cho loại cây dược liệu quý”.

Hoa sâm Báo có màu sắc bắt mắt.

Liên kết sản xuất cây sâm Báo không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với các cây trồng khác, mà còn là giải pháp thiết thực để gìn giữ, bảo tồn nguồn gen của loài dược liệu quý.

Cây sâm Báo có tên khoa học là Abelmoschus Sagittifolius (Kurz) Merr, họ Bông Malvaceae, với thành phần hóa học: Rễ sâm báo có chứa hợp chất coumarin, flavonoid, đường khử, chất nhầy, acidamin, acid hữu cơ, phytosterol và sesquiterpen. Hàm lượng chất nhầy 26,7%. Các axid amin gồm 11 chất, gồm alann, prilin, tyrosin, phenylalamin, leucin,… và các chất khoáng tốt cho cơ thể như canxi, natri, magie, sắt, đồng, kẽm, photpho...

Xem chi tiết thông tin trên báo Kinh tế nông thôn: https://kinhtenongthon.vn/sam-bao-duoc-lieu-vang-hieu-qua-kinh-te-cao-post30397.html

Bài viết liên quan

scrolltop