Báo Thanh Hóa có bài: Sâm Báo – Đại Việt đệ nhất danh Sâm

1 (20 %) 1 votes

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Thanh Hóa là vùng đất của nhiều triều đại quân chủ phong kiến; là đất “thang mộc” của các bậc quân vương. Đây còn là mảnh đất với nhiều sản vật quý hiếm. Trong số ấy có thể kể đến sản vật Sâm Báo “dâng vua”, “tiến chúa” ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Thành Nhà Hồ xưa kia - chỉ mất 3 tháng để xây dựng.

Đặc sản dâng vua, tiến chúa

Chúng tôi tìm đến vùng đất Vĩnh Lộc vào những ngày nắng hạ đổ lửa. Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa của nhân loại, uy nghi giữa đất trời như minh chứng cho sự kiên cường của mảnh đất, con người nơi đây.

Vĩnh Lộc là vùng đất cổ, từ thời tiền sử nơi đây đã sớm có người tụ cư sinh sống. Thời đồ đá mới, với di tích khảo cổ học Đa Bút, xã Vĩnh Tân, cùng với di chỉ Bản Thủy, xã Vĩnh Thịnh, di chỉ làng Còng, xã Vĩnh Hưng đã tạo cho vùng đất có bề dày về lịch sử - văn hóa.

Đặc biệt, thời kỳ phong kiến, Vĩnh Lộc đã từng là Kinh đô dưới vương triều Hồ (1400-1407). Trong đó Thành Nhà Hồ là công trình kiến trúc thành “Độc nhất vô nhị” được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2011. Vĩnh Lộc cũng là nơi phát tích của chúa Trịnh.

Không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, Vĩnh Lộc còn là nơi trời phú cho những sản vật hiếm nơi nào có được. Nói về mảnh đất này, sử sách và các bậc cao niên nhắc đến những chuyện thú vị về cây Sâm Báo gắn với lịch sử quê hương, đặc biệt dưới thời nhà Hồ, các đời chúa Trịnh.

Từ trước thế kỷ X, cây Sâm Báo đã được Nhân dân vùng Vĩnh Ninh, thuộc Ái Châu (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) dùng như dược liệu quý hiếm làm nước uống, thuốc chữa bệnh, thức ăn bổ dưỡng... Sâm Báo được biết đến rộng rãi hơn vào thời nhà Hồ.

Năm 1397, Lê Quý Ly (khi này chưa đổi sang họ Hồ) giữ chức Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, cương vị Tể tướng, nắm quyền trong triều đình.

Bằng quyền lực của mình, Lê Quý Ly cho xây thành ở động An Tôn, thuộc Vĩnh Ninh, trấn Thanh Đô (xã Vĩnh Long, thôn Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), làm kinh đô mới với tên gọi Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô về đây, chuẩn bị cho công cuộc phế bỏ vương triều Trần. Khoảng thời gian xây thành Tây Đô gắn với nhiều giai thoại về việc xây thành và lịch sử cây Sâm Báo.

Theo đó, khi dựng thành Tây Đô nhiều đoạn xây lên lại đổ, tiến độ vô cùng chậm chạp. Sốt ruột, Lê Quý Ly đích thân đi khảo sát, nắm bắt tình hình. Trong một lần đi khảo sát việc xây thành, ông chứng kiến một nhóm thợ làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi. Đoạn thành do họ phụ trách cũng xây nhanh và chắc chắn hơn cả.

Tuy nhiên, thay vì khen thưởng ngay, Lê Quý Ly tỏ ra nghi ngờ. Đích thân ông tra hỏi và được biết nhóm thợ này người làng Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Ninh, thuộc trấn Thanh Đô. Họ có sức khỏe cường tráng là do dùng một thức uống trong lúc mệt mỏi vừa giải khát, vừa tăng cường thể lực.

Thứ nước uống họ mang theo nấu từ củ cây sâm trên núi Báo. Lê Quý Ly lệnh áp giải nhóm thợ cùng thứ nước uống được cho là thần kỳ kia về. Tể tướng sai các vị ngự y trong triều xem xét kỹ nước uống và công dụng có đúng với lời của người làng Biện Thượng hay không? Sau nhiều ngày tra cứu, gồm cả việc sai người lên núi Báo tìm cây sâm quý, Lê Quý Ly mới tin tưởng.

Khoảnh khắc các ngự y dâng nước sâm trên núi Báo, Lê Quý Ly không kiềm chế được khi ngửi thấy mùi thơm thanh mát của thứ nước có màu nâu nhạt. Nước sâm có mùi thơm, mát, vị ngọt nơi đầu lưỡi, người lập tức khỏe lại, vô vùng khoan khoái. Lê Quý Ly vui mừng ban thưởng hậu hĩnh cho nhóm thợ đến từ làng Biện Thượng.

Sau sự việc trên, ông còn cho thành lập một nhóm chuyên đi săn tìm loài cây sâm quý; đồng thời ban lệnh cấm người dân sử dụng, nhằm thu lượm cây sâm phục vụ cho công cuộc xây dựng thành. Từ đó cây sâm mọc trên núi Báo được coi là sản vật quý hiếm, là phần thưởng cho quan lại, lính tráng, thợ xây thành... có công trạng lớn. Sức khỏe của thợ được đảm bảo một phần nhờ cây sâm quý, thúc đẩy việc xây thành Tây Đô rút ngắn thời gian xây dựng. Tòa thành đồ sộ chỉ mất 3 tháng để hoàn thành - một kỷ lục xây dựng trong lịch sử nhân loại.

Tháng 11-1397, Lê Quý Ly bức vua Trần Thuận tông dời kinh đô về Thanh Đô. Tháng 3 năm Canh Thân, vương triều Hồ thành lập. Lê Quý Ly đổi sang họ Hồ (bởi ông tự suy mình có gốc gác họ Hồ, thuộc tỉnh Chiết Giang, thời Hậu Hán, Trung Quốc). Hồ Quý Ly đặt niên hiệu cho vương triều mới là Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu (nghĩa là sự yên vui, hòa bình), đổi tên trấn Thanh Đô thành phủ Thiên Xương, cùng Cửu Chân, Ái Châu làm “tam phụ” gọi là Tây Đô.

Cây Sâm Báo lúc này trở thành nước uống, là dược liệu quý hiếm dùng để chữa bệnh và là thực phẩm bổ dưỡng chuyên dùng trong cung nhà Hồ, được coi là sản vật quốc gia trong vương triều nhà Hồ.

Năm 1407, nhà Hồ để mất nước vào tay nhà Minh (Trung Quốc), cha con Hồ Quý Ly bị bắt và áp giải về nhà Minh. Sau khi vương triều họ Hồ diệt vong, cây Sâm Báo dần chìm vào quên lãng. Tuy cây Sâm Báo mất đi danh tiếng nhưng vẫn được truyền miệng trong dân gian.

Qua biến cố thăng trầm lịch sử, năm 1545 họ Trịnh cầm quyền ở Đàng Ngoài. Trịnh Kiểm được xem là vị Chúa Trịnh đầu tiên nắm quyền từ 1545 – 1570. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Trịnh Kiểm sinh ngày 14-9 niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 (1503) dưới triều vua Hiến Tông Duệ hoàng đế Nhà Hậu Lê.

Thuở nhỏ ông sinh sống ở làng Biện Thượng, chính là quê hương của bà cố ngoại, trung tâm xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Vùng đất này là nơi sản sinh cây sâm quý hiếm được tin dùng vào thời vua Hồ. Khi nhà Hồ diệt vong, cây sâm vẫn là một sản vật đặc trưng của huyện Vĩnh Phúc (thời Lê Trung Hưng đổi tên từ Vĩnh Ninh sang Vĩnh Phúc), được Nhân dân trong vùng sử dụng.

Trịnh Kiểm may mắn được dùng loại sâm này từ bé, đó có thể cũng là một phần lý do ông có sức khỏe hơn người. Sau này ông được Nguyễn Kim - một người lãnh đạo trên thực tế của chính quyền, quân đội nhà Lê Trung Hưng vô cùng trọng dụng do khí chất hơn người, thông minh, có tài thao lược, lại sở hữu sức khỏe phi phàm...

Sau này khi thành Chúa, nắm thực quyền trong tay giữa triều Lê, Trịnh Kiểm vẫn không quên gốc gác của mình. Năm 1554, trong giai đoạn phò tá nhà Lê chống nhà Mạc, Trịnh Kiểm lệnh dời hành dinh đến Biện Thượng đóng quân. Ông thu thập các hào mục và trai tráng trong xứ, bổ nhiệm các chức vụ, khiến cho xứ này được yên. Tương truyền, ông đã cho quân sĩ dùng rượu sâm ở Biện Thượng trong một số bữa ăn, được xem như phần thưởng khích lệ tinh thần.

Lúc giúp vua Lê dẹp loạn, an cư xã tắc... Trịnh Kiểm vẫn thường cho người tìm loại sâm quý này dùng và dâng lên vua Lê. Ông thọ 68 tuổi, được xem là đại thọ vào thời bấy giờ.

Qua các đời chúa Trịnh vốn có xuất xứ nguồn gốc tại huyện Vĩnh Phúc, trấn Thanh Hoa (tức Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay), cây Sâm Báo luôn được tin dùng, được coi là bảo vật cho sức khỏe.

Đến thời Trịnh Sâm - một trong những đời chúa cuối cùng của dòng họ Trịnh, cây sâm quý ở vùng núi Báo, làng Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Phúc, trấn Thanh Hoa (nay là huyện Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) mới được đặt tên chính thức là Sâm Báo (tức cây Sâm mọc ở núi Báo).

Sâm Báo viết nên mảnh đất huyền thoại

Đến mảnh đất Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về cây Sâm Báo, những giai thoại về các đời vua, chúa gắn bó với mảnh đất này... được người dân nhắc nhớ và tự hào. Thắc mắc vì sao cây Sâm Báo mọc tại núi Báo lại được xem là cực kỳ quý hiếm phần nào được lý giải.

Màu sắc sặc sỡ của hoa cây Sâm Báo.

Thứ nhất, cây Sâm Báo mọc ở vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt” - làng Bồng Thượng. Xưa kia, làng Bồng Thượng gọi là Biện Thượng - là ngôi làng cổ có tên từ thời Bắc thuộc, làng nằm ven sông Mã hùng vĩ gối đầu vào núi Báo với thế “Rồng cuộn Hổ ngồi”. Dân gian vẫn còn truyền tụng câu sấm về làng Bồng Thượng: “Mạch tòng Hùng Lĩnh trung linh khí - Thế xuất công hầu tráng đế vương.” Điều này ứng với vùng đất này khi sinh ra rất nhiều hiền tài cho các triều đại phong kiến.

Thứ 2, thổ nhưỡng vùng đất Vĩnh Lộc rất phù hợp với sự phát triển của cây Sâm Báo. Từ xa xưa các triều đại phong kiến đã nhận xét Sâm Báo là: “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Nó được đánh giá là một sản vật quý, có giá trị và bổ dưỡng, từng được các sách địa chí cổ ghi chép lại. Cuốn “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo (tri huyện Vĩnh Lộc) viết năm Gia Long thứ 15 (1816) từng nhắc đến loại sản vật này: “Nước Nam có nhiều sâm, chỉ có sâm đất Biện Thượng công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm ở núi Báo có nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”.

Sách “Đồng Khánh địa dư chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1886 cũng đã nói về tác dụng của cây Sâm Báo như sau: “Ở núi Đa Bút và Biện Thượng có loại sâm, tục gọi là Sâm Báo, chất nhỏ mà trắng, vị đắng, tính mát, có thể giải nhiệt”.

Nói về lịch sử và công dụng kỳ diệu đối với sức khỏe của cây Sâm Báo, cụ Trịnh Thế Trung, (93 tuổi, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) là con cháu đời thứ 13 dòng họ Trịnh giúp chúng tôi có cái nhìn thực tế hơn.

Nhớ về lịch sử xưa, cụ Trung chậm rãi mở bình rượu Sâm Báo. Mùi thơm thoang thoảng của sâm bay khắp gian nhà. Củ Sâm Báo thon, nhỏ, ít rễ, “Sâm Báo mà tẩm nước giếng Sôi – Người ốm lâu ngày uống lại khỏe ngay”, cụ Trung vừa cười vừa đọc câu ca cổ.

Theo lời cụ Trung, quy trình chế biến Sâm Báo rất kỳ công, Sâm Báo tìm được đem về rồi tắm rửa qua nước giếng Sôi của làng rồi “cửu chưng cửu sái”, nghĩa là ngâm nước gạo nếp qua 9 lần ngâm và 9 lần phơi mới đem vào sử dụng làm thuốc. Sâm có tính bình, sinh tâm dịch... dùng cho phụ nữ trước khi sinh nở, trẻ em suy dinh dưỡng, người mới ốm dậy thì tuyệt vời vô cùng.

Rời mảnh đất Vĩnh Lộc, lẩn khuất trong gió, hương sâm vẫn thoang thoảng đâu đây. Thành Nhà Hồ trầm mặc, vững chãi theo thời gian và những câu chuyện ly kỳ xoay quanh bậc quân vương Hồ Quý Ly hay những đời chúa Trịnh gắn với câu chuyện về cây Sâm Báo như níu kéo bước chân người lữ khách muốn ở lại lâu hơn mảnh đất này.

Xem chi tiết thông tin trên báo Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/sam-bao--dai-viet-de-nhat-danh-sam/123417.htm

Bài viết liên quan

scrolltop